Thơ ca trong việc đọc và viết là gì?

Thơ ca trong việc đọc và viết là một công cụ mạnh mẽ để phát triển kỹ năng viết, tư duy và giao tiếp của trẻ em. Sử dụng thơ trong lớp học có thể giúp trẻ trải nghiệm một loại hình nghệ thuật văn học cần thiết nhằm nâng cao sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các bé. Thơ có thể được tích hợp vào chương trình học theo nhiều cách, chẳng hạn như thông qua thơ ngẫu hứng, với các bài thơ truyền cảm hứng từ STEM, thơ dùng cho các dịp đặc biệt, thơ về thiên nhiên hay bất kỳ loại hình nào khác.

Thơ ngẫu hứng chỉ đến một phong cách đọc thơ được tổ chức tại các khu vực cộng đồng như công viên, đường phố và quán cà phê. Thường được thể hiện bởi những người không nhất thiết là những nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng có một tình yêu sâu sắc đối với hình thức nghệ thuật này. Hình thức thơ này đặc trưng bởi sự tự phát của nó, với các buổi biểu diễn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và hầu như ở bất kì địa điểm nào.

Thơ ngẫu hứng là một chiến lược mới mà giáo viên có thể dùng để dạy xen kẽ giữa các bài học trên lớp. Thơ theo phong cách “nhỏ giọt” như thế sẽ giúp trẻ trải nghiệm văn chương và nghệ thuật mà không làm giảm giá trị của chương trình học, đồng thời củng cố vai trò quan trọng của thơ ca trong giáo dục nói riêng và đời sống tinh thần của trẻ nói chung. Đây cũng là phương thức tuyệt vời nhằm giới thiệu loại hình văn chương này cho trẻ một cách vui nhộn và thú vị trong khoảng thời gian ngắn nhất. Hơn nữa, bằng việc giúp trẻ tiếp xúc sớm với thơ ca, các bé sẽ dần hình thành và phát triển tình yêu của mình đối với văn chương.

vai-tro-cua-tho-ca-trong-giai-doan-tien-doc-viet-o-tre

Thơ truyền cảm hứng từ STEM

Thơ truyền cảm hứng từ STEM là một cách tuyệt vời để kết nối tư duy khoa học với khả năng đọc và viết ở trẻ. Nhiều trường học uy tín hiện nay đã công nhận STEM trong chương trình giáo dục của họ, và thơ truyền cảm hứng từ STEM là phương thức hoàn hảo để trẻ hình dung về khoa học và công nghệ theo một cách sáng tạo và giàu tưởng tượng. Ví dụ, một trường đã xây dựng chủ điểm bài học xoay quanh đề tài “ánh sáng và âm thanh”, biến tiết học thành cầu nối giữa tư duy khoa học với khả năng đọc và viết của trẻ. Học sinh lớp một được khuyến khích sáng tác những bài thơ ngắn về các nguồn sáng bằng cách sử dụng cấu trúc dưới đây, trải dài qua ba bài học.

vai-tro-cua-tho-ca-trong-giai-doan-tien-doc-viet-o-tre

Trước tiên, các bé sẽ đi khắp trường học, quan sát và ghi lại tất cả những nguồn sáng trong tự nhiên. Sau đó, trẻ sẽ học cách viết ra những câu miêu tả bốn nguồn sáng quan trọng nhất đã ghi chú được. Câu văn của trẻ ban đầu có thể chỉ là những từ ngữ rời rạc và đơn giản, nhưng qua nhiều lần thực hành, chúng sẽ dần dần mang tính thi ca hơn. Điệp từ được đặc biệt chú ý sử dụng trong các bài thực hành này vì nó liên kết tốt với khả năng nhận thức về âm tiết vốn đang phát triển của trẻ. Khi chủ điểm khoa học chuyển từ “khám phá ánh sáng” sang “khám phá âm thanh”, quy trình tương tự với thơ ngẫu hứng cũng được áp dụng: Đầu tiên, trẻ xác định các nguồn âm thanh xung quanh trường học. Sau đó, các bé sẽ sáng tác những câu văn miêu tả và ghép chúng lại với nhau thành một bài thơ hàm súc, rồi chia sẻ chúng với những bạn khác trong lớp. Đây cũng là một kiểu bài tập về nhà lý tưởng vì các bé có thể đọc bài thơ của mình cho bố mẹ nghe.

Thơ cho những dịp đặc biệt

Những dịp đặc biệt có thể trở nên vô cùng thú vị với trẻ, vì chẳng có bé nào lại không thích được bày tỏ tình cảm của mình dành cho mẹ. Do đó, Ngày của Mẹ, Ngày Nhà giáo và Ngày Quốc tế Phụ nữ là những dịp hoàn hảo để động viên trẻ sáng tác thơ. Việc khuyến khích trẻ sáng tác những bài thơ dành cho những người quan trọng trong đời có thể giúp trẻ xây dựng lòng tự tin và phát triển tình yêu đối với thơ ca.

vai-tro-cua-tho-ca-trong-giai-doan-tien-doc-viet-o-tre

Thơ trong thiên nhiên

Kết nối trẻ với môi trường xung quanh cũng là một ý tưởng không tồi. Tôi đã dành nhiều năm liền đưa con cái đến các trường học trong rừng, và thật tuyệt vời khi ở đó những cậu bé của tôi có thể tận hưởng thiên nhiên từng giây từng phút. Ngoài việc tham gia một chuyến đi thực địa, trẻ luôn thích được ra ngoài và tiếp xúc nhiều nhất có thể với thiên nhiên. Giáo viên có thể tặng mỗi bé một chiếc túi để thu thập lá, cành cây, vv., sau đó sử dụng khía cạnh “Nghệ thuật” (Art) trong STEAM để tạo ra một bức tranh ghép minh họa cho buổi tham quan dã ngoại của trẻ.

vai-tro-cua-tho-ca-trong-giai-doan-tien-doc-viet-o-tre

Đưa trẻ đến trường học trong rừng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên là một cách tuyệt vời để khuyến khích các bé sử dụng mọi giác quan của mình trong việc khám phá môi trường xung quanh. Xuyên suốt quãng thời gian ở trường rừng, hãy dạy trẻ ngồi yên và sử dụng các giác quan của mình nhằm khám phá, thư giãn, tìm hiểu và tận hưởng những nguồn năng lượng tích cực từ thế giới thiên nhiên. 

Người ta thường nói cây cối cũng có thể nói chuyện, vì vậy hãy cho trẻ em ôm một cây và trò chuyện với nó. Khi trở về, các bé có thể viết lại tất cả suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của mình trong sổ tay khoa học. Trẻ có thể chia sẻ về ấn tượng đầu tiên, cảm giác mà cái cây mang lại, cũng như suy nghĩ của các bé trong toàn bộ quá trình đó. Điều này đồng thời cũng giúp trẻ trở nên tự tin và phóng khoáng hơn.

Lợi ích của thơ ca

Thơ ca là một công cụ mạnh mẽ để phát triển kỹ năng đọc viết cho trẻ (bao gồm kỹ năng viết, tư duy, giao tiếp, khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng). Bằng cách tích hợp thơ vào chương trình giảng dạy, giáo viên có thể nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của trẻ một cách vui nhộn và đầy thú vị.

vai-tro-cua-tho-ca-trong-giai-doan-tien-doc-viet-o-tre

Một điểm cộng lớn của thơ là nó có thể dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với phong cách học và khả năng tiếp thu của từng bé. Ví dụ, một số trẻ thích thể hiện bản thân thông qua lối thơ tượng hình (visual poetry), trong khi các bé khác sẽ thích sáng tác những bài thơ truyền thống hơn. Thông qua việc cung cấp một loạt các hoạt động thi ca đa dạng, giáo viên có thể nhanh chóng đáp ứng mọi sở thích cũng như điểm mạnh riêng của từng đứa trẻ, đảm bảo rằng mỗi học sinh đều có cơ hội tiếp cận và làm quen với thơ ca một cách thích hợp nhất. Tính linh hoạt và dễ tùy chỉnh này không chỉ giúp cải thiện điểm số mà còn củng cố lòng tự tin và xây dựng niềm vui trong học tập của các bé.

Kết luận

Thơ ca, nếu được áp dụng đúng cách, sẽ trở thành một công cụ đắc lực trong việc phát triển kỹ năng đọc viết cho trẻ theo những cách vui nhộn và thú vị nhất, đồng thời giúp các bé cải thiện khả năng viết, tư duy, giao tiếp, tính sáng tạo và trí tưởng tượng của mình. Hãy tận dụng mọi cơ hội trong tiết học để tích hợp những mẩu thơ nhỏ vào kế hoạch giảng dạy của bạn, tương tự như việc dành một vài phút đi dạo quanh khuôn viên trường học. Thử khuyến khích trẻ sử dụng mọi giác quan khi khám phá quanh trường học bằng cách yêu cầu các bé nhắm mắt và kiểm tra xem các giác quan khác có đang trở nên nhạy bén hơn không. Nhớ lưu trữ tất cả thành phẩm của học sinh trong thư mục lớp, vừa để các bé có thể xem lại bất cứ lúc nào, vừa giúp trẻ dễ dàng mang chúng về nhà chia sẻ với gia đình vào cuối học kỳ. Đây cũng là một ý tưởng thông minh nếu bạn muốn “soạn sẵn” giáo án cho năm học tới!

Đôi khi một kế hoạch giảng dạy tốt nhất sẽ luôn gặp phải những trở ngại bất ngờ nhất. Nếu cả lớp đang tham gia vào một hoạt động dã ngoại và trời bỗng dưng đổ mưa thì sao? Chẳng sao cả, giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng cơ hội đó để khuyến khích trẻ sáng tác một bài thơ về mưa. Như các cụ thường bảo: Trong cái khó, ắt ló cái khôn!

vai-tro-cua-tho-ca-trong-giai-doan-tien-doc-viet-o-tre