Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ là gì?

Think - Pair - Share (Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ) là một chiến lược dạy học phổ biến nhằm khuyến khích sự tham gia của học sinh vào bài giảng, đặc biệt hiệu quả với những bé nhỏ tuổi và nhút nhát. Sau khi tự độc lập suy nghĩ, các bé sẽ được ghép cặp với những bạn ngồi cạnh để cùng nhau trao đổi ý kiến, tiếp đó tham gia vào các hoạt động trong lớp bằng cách giơ tay phát biểu.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tham gia vào các hoạt động học tập, chẳng hạn như đặt những câu hỏi mang tính đóng góp và phát triển các chủ đề đang được thảo luận trên lớp có thể hỗ trợ toàn bộ quá trình học, qua đó cải thiện kết quả học tập của trẻ. Tuy nhiên, chỉ nên giới hạn trẻ trong một khoảng thời gian nhất định khi yêu cầu các bé đưa ra câu trả lời, mở rộng bài học hay đơn giản là quyết định có nên giơ tay hay không.

 suy-nghi-ghep-cap-chia-se

Đối với một số bé có tính cách nhút nhát, sự thiếu hụt về các kỹ năng cá nhân cũng như xã hội có thể cản trở các em tham gia học tập một cách tích cực với các bạn trong lớp. Điều này chủ yếu đến từ việc trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp với bạn học, bất kể các em có nhiều ý tưởng hay ho thế nào.

Tôi đã tận mắt chứng kiến sự việc trên nhiều lần và luôn khuyến khích giáo viên cũng như các chủ trường mầm non chủ động hơn trong việc ghép cặp ngẫu nhiên các học sinh khác nhau theo mỗi tuần. Lý do rất đơn giản: trẻ em thường sẽ luôn muốn ngồi cạnh bạn bè thân thiết của các bé. Bề ngoài, điều đó có vẻ hợp lý và dễ hiểu. Tuy nhiên khi nhìn sâu hơn, bạn sẽ thấy hậu quả là một lớp học bị rạn nứt và quá đậm tính bè phái. Mặc dù một môi trường học tập như vậy là thiếu lành mạnh, tôi đã thấy rất nhiều giáo viên (cũng như hiệu trưởng và chủ trường học) lờ đi những thực tiễn không hay ho đó, thường là để được yên thân.

Thay đổi chỗ ngồi thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho những gương mặt mới chia sẻ những suy nghĩ và ý tưởng mới, đồng thời cho những bé nhút nhát cơ hội phát triển sự tự tin thông qua việc liên tục trò chuyện và làm quen với các bạn trong lớp.

Lợi ích của hoạt động Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ

Khuyến khích tư duy cá nhân

Sử dụng hoạt động Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ giúp trẻ có thời gian suy nghĩ, phản ánh và xử lý thông tin trước khi bị ảnh hưởng bởi câu trả lời của những bạn khác. Quá trình này cũng dạy các bé cách giải thích suy nghĩ của mình cho một người bạn, rồi mở rộng tới nhiều khán giả hơn (cả lớp). Kỹ thuật còn khuyến khích tư duy cá nhân, cũng như khả năng hợp tác và trình bày ở trẻ. Trước tiên, học sinh phải tự mình trả lời câu hỏi, sau đó tập hợp lại theo cặp hoặc nhóm nhỏ để thảo luận, cuối cùng là chia sẻ kết quả thu được trước lớp. Thảo luận câu trả lời với bạn học trước khi trình bày với cả lớp sẽ thu hút học sinh tham gia tích cực vào bài học và giúp trẻ tập trung sự chú ý vào chủ đề được đưa ra.

Tăng sự tham gia của học sinh

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc triển khai hoạt động Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ trong lớp học có thể giúp tăng cường sự tham gia của những học sinh nhỏ tuổi. Người ta thấy tần suất giơ tay phát biểu có xu hướng tăng lên sau khi trẻ được phép trao đổi ý tưởng với bạn học. Điều này cho thấy khi các bé có cơ hội thảo luận với bạn bè, bé sẽ cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng chia sẻ ý tưởng của mình với cả lớp.

Xác nhận ý tưởng và giảm thiểu lo âu

Một lợi ích khác của hoạt động Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ là nó có thể giúp giảm bớt tình trạng lo lắng ở học sinh. Xác nhận các suy nghĩ cá nhân với bạn học mang lại cho trẻ cảm giác yên tâm và tự tin vào ý tưởng của mình. Quá trình xác nhận này có thể làm giảm mức độ lo lắng, giúp các bé tích cực tham gia thảo luận trong lớp học hơn. Mặc khác, trạng thái lo âu cấp thấp đã được chứng minh là yếu tố trung gian tác động đến việc giơ tay phát biểu khi trẻ không có cơ hội được xác nhận ý tưởng của bản thân.

suy-nghi-ghep-cap-chia-se

Hỗ trợ các học sinh nhút nhát

Một số học sinh với tính cách nhút nhát có thể đặc biệt cảm thấy khó khăn khi tham gia vào các buổi thảo luận trong lớp do lo ngại bị bạn bè và thầy cô đánh giá. Tuy nhiên, hoạt động Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ có thể cung cấp cho trẻ một môi trường học tập an toàn để có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ và quan điểm cá nhân trước khi trình bày với một nhóm lớn hơn. Mặc dù các bé nhút nhát vẫn có thể tham gia vào các buổi thảo luận trong lớp học theo một cách ít thường xuyên so với các bạn đồng trang lứa, sự hợp tác thông qua hoạt động TPS có thể giúp thúc đẩy sự tự tin và tinh thần sẵn sàng đóng góp của trẻ.

Triển khai hoạt động Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ trong Lớp học

Để tích hợp hiệu quả hoạt động này vào lớp học của bạn, hãy xem xét các bước sau:

  • Đưa ra câu hỏi hoặc gợi ý: Hãy bắt đầu bằng cách trình bày một câu hỏi hoặc gợi ý mang tính kích thích tư duy cho học sinh (có thể liên quan đến nội dung bài giảng, tùy thuộc vào tâm trạng hay diễn biến của lớp học, hoặc cho phép trẻ được tùy chọn chủ đề bàn luận theo ý thích).
  • Suy nghĩ: Cho các bé một khoảng thời gian nhất định (từ một đến hai phút) để suy nghĩ về câu trả lời, đồng thời khuyến khích các em ghi chú (có thể bằng cách vẽ ra) tất cả những ý tưởng của mình trong thời gian này.
  • Ghép đôi: Sau khi hết thời gian động não, hãy hướng dẫn từng bé ghép đôi với một bạn khác hoặc tham gia thảo luận trong một nhóm nhỏ. Khuyến khích trẻ chia sẻ các ý tưởng với nhau, so sánh các ghi chú và thảo luận về bất kỳ sự khác biệt nào trong những câu trả lời được đưa ra.
  • Chia sẻ: Cuối cùng, hãy yêu cầu các cặp hoặc nhóm chia sẻ kết quả với cả lớp thông qua một buổi thảo luận tập thể, hoặc bằng cách yêu cầu đại diện từ mỗi cặp hoặc nhóm thuyết trình trước lớp.
  • Suy ngẫm và tóm tắt: Sau giai đoạn chia sẻ, hãy dành thời gian tóm tắt lại các hoạt động trong lớp với trẻ. Bạn có thể thảo luận về những ý tưởng khác nhau đã được thảo luận trước đó, nêu bật những điểm chính và khuyến khích trẻ tự phản ánh về quá trình học tập của bản thân trong suốt hoạt động.

Kết luận

Hoạt động Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ là một chiến lược giảng dạy hiệu quả giúp tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào các bài giảng trên lớp, đặc biệt đối với những bé nhút nhát. Bằng cách cho phép trẻ có thời gian suy ngẫm, khuyến khích trẻ cộng tác cùng bạn bè và cung cấp một môi trường mang tính hỗ trợ để trẻ thoải mái chia sẻ ý tưởng cá nhân, kỹ thuật này có thể giúp các bé trải nghiệm một lớp học mang tính hòa nhập và hấp dẫn hơn. Là những nhà giáo dục, chúng ta có trách nhiệm tạo dựng một văn hóa học tập mà mọi sinh ở mọi khả năng đều cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Nhờ kết hợp chiến lược Suy nghĩ - Ghép cặp - Chia sẻ vào thực tiễn giảng dạy, chúng ta có thể hỗ trợ trẻ tốt hơn trong suốt hành trình học tập và phát triển cá nhân.

suy-nghi-ghep-cap-chia-se