Trẻ có chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) cao hơn sẽ có khả năng quản lý cảm xúc tốt hơn, thành công hơn trong học tập và ít có thói quen tiêu cực. Hãy tìm hiểu cách giúp trẻ cải thiện trí tuệ cảm xúc trong trường mầm non.

Tại sao trí thông minh cảm xúc (EI) lại quan trọng đối với trẻ mầm non?

Chúng ta đều biết rằng cảm xúc rất mạnh mẽ. Cảm xúc quyết định cách chúng ta liên hệ với nhau khi trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy cảm xúc của chúng ta thường ảnh hưởng đến loại thông tin khiến chúng ta bị thu hút và có thể xử lý.

Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong cách học của trẻ. Trẻ có thể dễ bị tổn thương khi những khó khăn về mặt cảm xúc cản trở thành tích học tập của chúng. Khi trẻ thiếu năng lực cảm xúc xã hội, chúng có thể gặp các vấn đề về kỹ năng giao tiếp, quan hệ bạn bè và khả năng giải quyết xung đột. Ngược lại, những đứa trẻ có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao hơn sẽ có khả năng quản lý cảm xúc tốt hơn, ít hung hăng hơn. Chúng sẽ có tâm trạng tích cực hơn, thành công hơn trong học tập, ít có thói quen tiêu cực, chúng tạo ra và tận hưởng các mối quan hệ xã hội như gia đình; đồng nghiệp; vòng tròn xã hội, một cách tích cực và chúng thể hiện được sự thích ứng với xã hội.

Trí tuệ cảm xúc (EI) đại diện cho việc hiểu, sử dụng và quản lý cảm xúc cá nhân, hoặc hiểu và đáp lại cảm xúc của người khác. Trong khi IQ (Chỉ số thông minh) dùng để đo lường trí thông minh, thì Chỉ số cảm xúc hoặc EQ sẽ đo lường trí thông minh cảm xúc.

Việc dạy EI trong chương trình giáo dục mầm non cho phép giáo viên giúp các bé làm quen với cảm xúc của chính mình, cũng như học cách ứng xử với cảm xúc của người khác một cách phù hợp. Do đó, lồng ghép các bài học liên quan đến kỹ năng cảm xúc vào chương trình giảng dạy là một giải pháp để phòng ngừa các vấn đề học đường.

Chiến lược nâng cao trí thông minh cảm xúc ở trẻ mầm non

Trí tuệ cảm xúc thường được nhắc đến với bốn khía cạnh.

  • Tự nhận thức bản thân
  • Quản lý bản thân
  • Nhận thức xã hội
  • Kỹ năng xây dựng quan hệ

Do đặc điểm lứa tuổi, trẻ em thường không thể tham gia một cách chủ động vào cả bốn lĩnh vực trên khi còn nhỏ, những điều này sẽ đến theo thời gian. Môi trường mầm non là một nơi tốt để trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc.

Những năm đầu đời là một môi trường giàu cảm xúc, lúc đó mỗi đứa trẻ sẽ thể hiện những cảm xúc cụ thể theo tính cách và văn hóa của chúng. Trẻ em dành phần lớn thời gian trong môi trường học đường chỉ sau môi trường gia đình. Khi đến trường, trẻ mang cảm xúc của mình đến lớp học. Trẻ tìm cách tin tưởng vào người khác. Trẻ em cũng muốn hiểu nhau, chúng điều chỉnh bằng cách chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm của mình. Nếu trẻ có thể tìm thấy sự hỗ trợ cho cảm xúc của mình trong môi trường này, chúng sẽ cảm thấy an toàn và khả năng thích ứng của trẻ sẽ tăng lên theo thời gian.

Hãy xem các trường mầm non và giáo viên mầm non làm thế nào để có thể nhận biết cảm xúc của trẻ, đáp ứng nhu cầu của trẻ một cách hiệu quả và giúp trẻ cải thiện trí tuệ cảm xúc bằng việc tăng cường 4 yếu tố đã nêu.

Trí thông minh cảm xúc ở trẻ mầm non: Tự nhận thức bản thân

Nhận thức bản thân liên quan đến việc nhận thức các khía cạnh khác nhau của bản thân bao gồm các đặc điểm, hành vi và cảm xúc. Trường mầm non có thể giúp trẻ hình thành nhận thức về bản thân bằng cách cho trẻ thường xuyên nghĩ về cảm giác của chúng và rồi mô tả những cảm xúc đó bằng từ vựng đơn giản. Giáo viên cũng có thể để trẻ tự kiểm tra bằng cách sử dụng thang đo tâm trạng (hình bên dưới). Trẻ có thể dùng thang đo thường xuyên trong suốt cả ngày để đo cảm giác của mình, hoặc tốt hơn hết là hỏi người bên cạnh trẻ. Có thể làm điều này vào những thời điểm cụ thể trong ngày, như sau bữa trưa, khi trẻ trải qua các trạng thái thể chất và cảm xúc khác nhau.

thang-do-tam-trang

Việc giáo viên trở thành một tấm gương tích cực, bằng cách thường xuyên chia sẻ những cảm xúc tích cực và tiêu cực của chính họ với trẻ, cho trẻ thấy rằng người lớn cũng có những loại cảm xúc này. Ví dụ, giáo viên có thể nói về việc cảm thấy mệt mỏi vào một buổi sáng vì họ đã thức khuya để chuẩn bị bài cho hoạt động học mà trẻ đang tham gia. Sau đó, giáo viên có thể hỏi trẻ xem chúng có nhớ mình đã mệt mỏi hay hào hứng với điều gì không. Điều này sẽ hướng dẫn cuộc thảo luận tới việc so sánh có ý thức giữa suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng bằng hành vi.

Cuối cùng, giáo viên nên giúp trẻ thể hiện bản thân và gọi tên cảm xúc của chúng theo hướng tích cực. Ví dụ, thay vì nói “Con không thích điều gì đó” (cách nói đó tiêu cực), hãy khuyến khích trẻ tạm dừng, suy nghĩ và nói điều gì đó mà trẻ thích về những gì đang được thảo luận (chọn cách nói tích cực).

Trí thông minh cảm xúc ở trẻ mầm non: Quản lý bản thân

Khả năng quản lý và tự điều chỉnh cảm xúc giúp trẻ quan sát và kiểm soát bản thân. Kỹ năng quản lý, thể hiện và bộc lộ cảm xúc sẽ thúc đẩy những kết quả tích cực, tính linh hoạt, khả năng thích ứng và niềm vui. Trẻ có thể có xu hướng thể hiện bản thân bằng những hành vi khác nhau khi cảm xúc của chúng không được thấu hiểu. Những trường hợp như vậy có thể tạo ra những thách thức cho giáo viên và trẻ. Trẻ em có thể học cách kiểm soát cảm xúc của mình bằng cách dành thời gian ra ngoài, ở một góc hoặc không gian yên tĩnh, để bình tĩnh lại khi buồn bã. Giáo viên cũng có thể khuyến khích và hướng dẫn trẻ thể hiện bản thân theo những cách hiệu quả, chẳng hạn như yêu cầu trẻ chia sẻ cảm xúc của chính mình và điều gì đã dẫn đến những cảm xúc này.

Khi trẻ có thể nhận ra cảm xúc, hiểu cảm xúc của mình đến từ đâu và rồi cùng nhau nghĩ ra các chiến lược tiềm năng để thay đổi hoặc duy trì, thì điều đó giúp đảm bảo rằng người lớn và trẻ em đã sử dụng cảm xúc một cách hiệu quả để tạo ra môi trường hỗ trợ việc học tập.

Đối với những trẻ phải vật lộn với sự tức giận hoặc các vấn đề về hành vi tiêu cực, có thể cho trẻ lập ra và trình bày một kế hoạch ứng xử trong lớp học, trong đó mô tả loại hành vi nào được đánh giá cao trong lớp học và hành vi nào không. Việc thiết kế lớp học, màu sắc và âm thanh (chẳng hạn như bật nhạc cổ điển) rất quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ điều chỉnh cảm xúc. Việc khen ngợi và công nhận cũng rất hữu ích.

tri-thong-minh-cam-xuc-o-tre-mam-non

Trí thông minh cảm xúc ở trẻ mầm non: Nhận thức xã hội

Nhận thức xã hội và sự đồng cảm luôn đi cùng với nhau và đều quan trọng để một người có thể phát triển mối quan hệ tích cực, giao tiếp và cộng tác hiệu quả với những người khác. Nhận thức xã hội đề cập đến khả năng hiểu và giải thích các tín hiệu, chuẩn mực và kỳ vọng xã hội của một nhóm hoặc nền văn hóa cụ thể. Nó bao gồm việc hòa hợp với suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm của người khác, cũng như nhận thức được tác động của hành động của một người đối với người khác. Trong khi đó, đồng cảm là khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác. Nó liên quan đến việc có thể nhận ra và phản ứng với cảm xúc của người khác theo cách phù hợp và đầy thông cảm.

Trẻ em không tự động hiểu được sự đồng cảm trong những năm đầu đời. Trẻ có xu hướng nghĩ về nhu cầu của bản thân và đặt bản thân lên hàng đầu trong hầu hết thời gian, điều này là bình thường và tự nhiên.

Trẻ cần hiểu tại sao sự đồng cảm lại quan trọng. Đồng cảm là một phần quan trọng trong sự phát triển tình cảm và giao tiếp xã hội của trẻ. Hiểu được sự đồng cảm, sẽ giúp trẻ xây dựng mối quan hệ chất lượng với bạn bè đồng trang lứa, cũng như người lớn. Trẻ sẽ có sức khỏe tinh thần tốt hơn, hòa hợp hơn với những người khác và mức độ hạnh phúc, hài lòng cao hơn.

Giáo viên và người chăm sóc có thể giúp trẻ phát triển sự đồng cảm và nhận thức xã hội bằng cách hướng dẫn trẻ để ý xem người khác cảm thấy thế nào.

 

Khi lên 2–3 tuổi, trẻ bắt đầu nhận ra rằng người khác sẽ có những cảm xúc và suy nghĩ khác với chúng; Trong những năm tiếp theo, trẻ có thể học cách đặt mình vào vị trí của người khác và tìm ra nguồn gốc những những vấn đề của người khác. Sau đó, trẻ có thể nhận ra ai đó đang buồn hay vui bằng cách nhìn vào biểu hiện của người đó.

Giáo viên có thể bắt đầu bằng cách cho trẻ nhìn vào khuôn mặt của chính cô ấy khi thể hiện các biểu cảm khác nhau. Sau đó, giáo viên có thể cho trẻ thực hành với nhau. Cảm xúc thường tạo ra các phản ứng thể chất khác nhau mà trẻ có thể học cách xác định để đáp lại.

Trí thông minh cảm xúc ở trẻ mầm non: Kỹ năng xây dựng quan hệ

Để nâng cao trí thông minh cảm xúc ở trẻ mầm non, phải nắm vững kỹ năng xây dựng mối quan hệ. Kỹ năng xây dựng quan hệ là khả năng xây dựng các mối quan hệ tích cực, nhất là với các cá nhân và nhóm đa dạng, thông qua thực hành kỹ năng lắng nghe tích cực, giao tiếp và giải quyết xung đột. Những kỹ năng này cũng bao gồm khả năng chống lại áp lực, tìm kiếm và đề nghị giúp đỡ. Trong môi trường mầm non, trẻ em cần phát triển, duy trì các mối quan hệ tích cực và bền vững với bạn bè cũng như người lớn.

Các mối quan hệ thúc đẩy lòng tin ở mức độ sâu hơn có thể phát triển các kết nối có ý nghĩa theo thời gian. Trẻ em cũng có thể xây dựng quan hệ bằng cách thể hiện sự đồng cảm với nhau khi nói về những lần ai đó bị đối xử bất công hoặc bằng cách diễn tả các tình huống mà chúng có thể thể hiện lòng tốt với những người đang buồn bã.

Để trẻ thành thạo EI, giáo viên nên đảm bảo rằng môi trường lớp học an toàn và có sự tôn trọng, để trẻ có thể học cách trở nên thoải mái hơn khi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc cá nhân của mình.

Chúng ta thường mô hình hóa cách chúng ta nên hành động đối với người khác thông qua cách chúng ta phản ứng với cảm xúc của chính mình.

duy-tri-va-phat-trien-cac-moi-quan-he-tich-cuc

Kết luận

Bằng cách giúp trẻ học cách nhận thức, quản lý và liên hệ với người khác thông qua EI, giáo viên có thể cung cấp cho trẻ những công cụ và kỹ năng quan trọng trong cuộc sống không chỉ giúp trẻ thành công ở trường mà còn để xây dựng mối quan hệ lành mạnh với bạn bè và người lớn trong cộng đồng, và theo đuổi cuộc sống có ý nghĩa khi trưởng thành.

Việc tìm hiểu về cảm xúc của chính chúng ta và của những người khác sẽ giúp cải thiện kết quả học tập. Phản ứng cảm xúc thường đến tự động. Trẻ em và người lớn thường hành động và nói trước khi suy nghĩ. Bằng cách học cách điều chỉnh trạng thái cảm xúc của chính mình, trẻ em có cơ hội quý giá để chú ý và suy nghĩ về cách phản ứng cân bằng hơn với những gì đang diễn ra xung quanh, thay vì phản ứng quá nhanh và thường xuyên, một cách quá gay gắt. Để bắt đầu hành trình phát triển EI, giáo viên nên bắt đầu bằng cách giúp trẻ ý thức được khả năng tự nhận thức và quản lý bản thân.

Ngoài ra, trẻ mẫu giáo không phải lúc nào cũng có vốn từ vựng cần thiết, khi chúng muốn phát triển nhận thức xã hội hoặc kỹ năng xây dựng mối quan hệ. Người lớn khi làm việc với trẻ nhỏ hơn có thể giúp chúng xác định cảm xúc của chính chúng và của người khác bằng cách sử dụng các từ mô tả, chỉ dấu bằng ngôn ngữ cơ thể, hoặc với sự giúp đỡ của các trẻ lớn hơn trong trường, đóng vai trò như một hình mẫu.

Các trường mầm non hiện đại dần trở nên đa văn hóa hơn. Ngày càng có nhiều trẻ em nói tiếng mẹ đẻ khác ngôn ngữ chính thức dùng ở trường. Hơn nữa, những hiểu biết và thực hành về văn hóa và đức tin của trẻ cũng có thể khác với những gì mà nhiều trẻ khác từng biết.

Đạo đức, luân lý và sự hòa nhập rất quan trọng trong những trường hợp này, và cũng nên được đưa vào các kế hoạch và hoạt động học tập phù hợp với mọi lứa tuổi và giai đoạn.